8 câu cha mẹ cần hỏi khi trẻ phạm lỗi
Trong quá trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ, luôn sẽ phạm phải lỗi này hoặc lỗi khác, những bậc làm cha mẹ thường lo lắng con cái sẽ trở thành những đứa trẻ khó dạy bảo.
Vì vậy sẽ vội vã can thiệp, trách móc những sai lầm của các bé, mà bỏ lỡ cơ hội quý giá để các bé có thể tự nhìn nhận lại bản thân, nhận ra lỗi lầm để sửa đổi.
Khi trẻ phạm lỗi, các bậc cha mẹ có thể thử áp dụng hỏi 8 câu hỏi sau:
1. Đã xảy ra chuyện gì vậy con?
Cha mẹ hãy cho các bé có cơ hội được giải thích về những hành động của mình, đừng nên có thói quen đánh giá sự việc khi chưa hiểu rõ vấn đề, lại càng không nên chưa biết rõ chuyện gì đã la mắng, đánh các bé.
Trước hết, hãy bình tĩnh nghe trẻ nói, đứng ở góc độ của trẻ để hiểu tường tận vấn đề.
Hơn nữa, khi trẻ nhỏ có cơ hội được nói, cho dù là thực sự đã làm sai, các bé sẽ sẵn sàng nhận lỗi vì các bé đã có cơ hội để tự giải thích cho việc làm của mình.
2. Con cảm thấy như thế nào vậy?
Hãy để cho trẻ có nơi giải tỏa tâm trạng. Sau khi đã hiểu hết mọi vấn đề, cha mẹ cũng không nên vội vàng “lên lớp” trẻ.
Những xung đột mà các bé gặp phải trong tâm lý là những cảm nhận chủ quan, không có đúng và sai. Có rất nhiều lúc, cái chúng ta cần chỉ là có thể nói ra mọi cảm xúc mà thôi.
Các nghiên cứu khoa học chứng minh, khi tâm trạng con người ở trạng thái cảm xúc mãnh liệt, những tác động bên ngoài rất khó có thể ảnh hưởng tới não bộ. Nói cách khác, khi một người vẫn đang có tâm trạng không tốt, người khác dù có nói gì cũng khó có thể lọt tai. Sẽ phải đợi tới khi tâm trạng họ bình tĩnh trở lại, mới có thể tỉnh táo suy nghĩ. Vì vậy, nếu muốn trẻ nghe hiểu, tiếp thu những ý kiến của bạn, trước hết bạn phải hiểu tâm lý của các bé, để bé có cơ hội nói ra hết những cảm xúc của mình.
Sau khi các bé bình tĩnh trở lại, có thể hỏi các bé câu hỏi thứ 3.
3. Con muốn thế nào?
Lúc này cho dù bé có nói gì khiến bạn cảm thấy sửng sốt, cũng không nên hoảng hốt, càng không nên sợ hãi, lo lắng, mà phải bình tĩnh hỏi tiếp bé câu hỏi thứ 4.
4. Vậy con thấy có biện pháp nào không?
Ở giai đoạn này, chúng ta nên tôn trọng mọi lời nói, suy nghĩ của trẻ, tôn trọng ngay cả khi đưa ý kiến cho trẻ.
Chúng ta có thể cùng con cái đưa ra các ý tưởng, nghĩ ra một vài kế hoạch cho trẻ, và cùng các bé nghĩ phương hướng giải quyết. Làm như vậy, sau này bé có gặp phải vấn đề gì, cũng sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn.
Đợi tới khi không nghĩ ra được ý tưởng nào, bạn có thể hỏi tiếp bé câu hỏi thứ 5.
5. Những biện pháp đó sẽ mang tới hậu quả gì vậy con?
Để cho các bé suy nghĩ, hiểu rõ, mỗi một biện pháp mà bé nghĩ ra các sẽ phải có trách nhiệm hậu quả mà nó mang lại, và liệu con có thể tiếp nhận hậu quả đó không?
Nếu như lúc đó bé không thể suy nghĩ rõ ràng, các bậc cha mẹ cần phải ra mặt, hướng dẫn các bé suy nghĩ thấu suốt, nói cho các bé biết hậu quả của chuyện đó là gì.
Nhưng vào lúc này cha mẹ nên tránh nói những lời dạy dỗ, chỉ nên tường thuật sự việc là đủ.
6. Con quyết định làm thế nào?
Sau khi đã phân tích hết tình hình cũng như hậu quả, các bé sẽ cân nhắc lợi hại và chọn phương pháp giải quyết có lợi nhất. Hơn nữa, đây cũng là lựa chọn hợp lý và thông minh nhất.
Ngay cả khi sự lựa chọn của bé không được như kỳ vọng của bạn, cũng nên tôn trọng quyết định của bé. Nếu bạn nói lời không giữ lời, sau này e là các bé sẽ không còn tin tưởng bạn nữa.
Huống hồ, cho dù các bé có chọn sai đi nữa, các bé cũng sẽ có thể học được nhiều điều quý giá hơn từ những sai lầm đó.
7. Con hy vọng cha mẹ sẽ làm gì?
Khi con cái nói ra những mong muốn được giúp đỡ, cha mẹ người thân nên tích cực cổ vũ, khuyến khích các bé. Sự cổ vũ của cha mẹ là hậu phương lớn nhất cho các bé, điều này sẽ giúp các bé càng tự tin hơn.
Đợi tới khi mọi việc đã trôi qua, hãy hỏi các bé câu hỏi cuối cùng.
8. Lần sau chúng ta nên làm gì vậy con?
Đợi tới khi mọi chuyện trôi qua, hãy cho các bé cơ hội đánh giá lại bản thân. Suy nghĩ xem biện pháp giải quyết và những phán đoán cá nhân rốt cuộc có hiệu quả hay không, tăng khả năng nhận định của trẻ.
Rất nhiều các bậc phụ huynh cho rằng, con cái của mình vẫn còn nhỏ, không có năng lực giải quyết vấn đề, tuy nhiên trên thực tế, dù là các bé còn rất nhỏ, vẫn sẽ biết áp dụng một số phương pháp để giải quyết vấn đề.
Vì vậy, khi các bé phạm lỗi, các bậc phụ huynh nên thử hỏi bé 8 câu hỏi trên, luyện tập vài lần, các bé sẽ có năng lực tự giải quyết vấn đề, không cần chúng ta phải lo lắng. Có năng lực nhận thức và giải quyết vấn đề mới là điều quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ.
– Sưu tầm –