13 điều cha dặn một lần con dùng cả đời

1. Người xưa đã dạy:

“Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, vì vậy con phải luôn nhớ suy nghĩ thật kỹ trước khi nói bất cứ điều gì, đặc biệt là những chuyện quan trọng hay tế nhị.

Trong giao tiếp cũng không nên tỏ ra quá vồn vã, lời nói ra phải có chọn lọc, đừng mải thao thao bất tuyệt cho “sướng miệng”, kết quả chỉ khiến người khác chê cười.

2. Đừng vội đưa ra kết luận khi đứng trước một sự việc nào đó.

Thậm chí khi con đã tìm ra lời giải cho vấn đề thì cũng không nên gấp gáp, vì rất có thể vẫn còn những đáp án tốt hơn.

Hãy học cách giữ bình tĩnh trong mọi trường hợp, chịu khó thay đổi góc nhìn để tư duy nhiều chiều, từ đó tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất.

3. Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không.

“Đơn giản hóa” là tuyệt chiêu giúp chúng ta đương đầu với những vấn đề phức tạp, hóc búa.

4. Đối phó với kẻ “tiểu nhân” cần đến sự kiên nhẫn và nhượng bộ, nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao.

Nói chuyện đạo lý với kẻ có nhân cách thấp kém chỉ tạo thêm phiền phức cho mình.

5. Trên đời này, không tình yêu nào tự nhiên mà có, chẳng thù hận nào lại không có nguyên do.

Đừng tham gia vào những cuộc bình phẩm người khác, chỉ cần “nghe, biết, để đấy” là được, tránh để bản thân bị cuốn vào vòng xoáy yêu, ghét của người đời.

6. Tiết kiệm là thói quen tốt nhưng nó khác hoàn toàn với cuộc sống kham khổ, “thắt lưng buộc bụng”.

Cuộc đời không ngắn nhưng cũng chẳng dài nên sống là phải biết hưởng thụ.

Hãy nhớ rằng chỉ đồng tiền nào được tiêu đi thì đồng tiền đó mới thực sự là của mình.

7. Hãy luôn trân trọng tình cảm của người khác dành cho mình.

Dù con có thể đáp lại tình cảm ấy hay không thì cũng đừng bao giờ khinh rẻ nó hay lợi dụng nó để tư lợi cho mình.

13 điều cha dặn một lần con dùng cả đời

8. Nếu biết được sau lưng có người khen ngợi mình với người khác thì hãy biết ơn vì đó là lời khen chân thành.

Còn với những người khen trước mặt, con cần thật tỉnh táo để không bị những lời tâng bốc giả dối che mắt, khiến bản thân trở nên kiêu căng, tự mãn.

Điều nên làm là: mỉm cười, cảm ơn và tiếp tục cố gắng.

9. “Nợ tiền, nợ bạc, sợ nhất nợ ân tình”. Nếu đã sống là người minh bạch thì có nợ ắt phải tìm cách trả.

Thực ra, trả món nợ vật chất thì dễ, đền món nợ nghĩa tình mới khó.

Hãy nhớ lấy những người đã từng cưu mang mình và sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần.

10. Độ lượng với người khác cũng là khoan dung với chính mình.

Bởi lẽ, khi tha thứ cho lỗi lầm của người khác thì có nghĩa là chính ta cũng đang tự dỡ bỏ đi những sợi dây trói buộc cảm xúc, những tảng đá tâm lý đè nặng trong lòng.

Tâm hồn sẽ được thư thái, nhẹ nhõm vì không còn bị làm phiền bởi sự tức giận hay hận thù nữa.

11. Làm người cần phải biết “công, tư phân minh”, không để chuyện công và chuyện tư ảnh hưởng đến nhau.

Khi làm việc, không nên để tình cảm hay những mối bận tâm riêng chi phối mà phải đặt hiệu suất công việc lên hàng đầu.

Ngược lại, khi đã ở bên người thân, gia đình thì chúng ta cũng cần toàn tâm toàn ý đối xử tốt với họ.

Đừng đem những phiền muộn, bực tức vì công việc ra trút lên đầu những người mình thương yêu.

12. Đừng dễ dàng đặt niềm tin vào kẻ đã từng lừa dối mình.

Họ lừa con được một lần, rất có thể sẽ còn lần hai, lần ba…

Lòng tin là tài sản quý giá của con người.

Con không đánh mất nó nhưng cũng đừng trao gửi nó dễ dàng.

Hãy nhớ nhẹ dạ cả tin cũng chính là tự mình hại mình.

13. Chớ buông lời nhạo báng, coi thường người khác để tâng bốc mình lên.

Hạ thấp người khác chẳng làm con trở nên xuất sắc hay hoàn mỹ hơn mà chỉ càng thể hiện sự ích kỉ và thiển cận của con mà thôi.

-Sưu tầm-

Để lại ý kiến của bạn