Không phải tiền bạc, đâu mới là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời mỗi người?
Bằng cách này hay cách khác, cha mẹ, thầy cô và những người cố vấn (mentors) trên khắp thế giới vẫn luôn dạy chúng ta rằng: “Tiền không phải là thứ quan trọng nhất trên đời, mà là thời gian”. Điều này cũng dễ hiểu thôi.
Đa phần đến một lúc nào đó chúng ta sẽ nhận ra rằng tiền bạc chỉ là phương tiện, chứ không phải là một điểm kết thúc. Nó mang lại cho chúng ta cơ hội nhưng theo một vài nghiên cứu, chúng ta ngày càng xem nhẹ việc tìm kiếm những giá trị mà tiền bạc mang lại.
Trên thực tế, mối liên kết mạnh mẽ nhất giữa tiền bạc và sự sung túc đến từ việc tiền bạc có thể giúp ta mua được thời gian nhờ vào những tiện nghi và tiện lợi nhất định.
Thời gian là có hạn và đa phần chúng ta thường nghĩ rằng càng có nhiều thời gian, chúng ta càng có thêm nhiều cơ hội để trải nghiệm những niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.
Nhưng liệu điều đó có đúng như vậy hay không? Có phải thời gian thực sự mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời chúng ta?
Tôi – tác giả bài viết, có một ý kiến khác. Tài sản quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người không phải thời gian, mà là sự chú tâm. Chất lượng cuộc sống không phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu giờ một ngày, mà phụ thuộc vào cách bạn sử dụng khoảng thời gian đó như thế nào.
Bạn có thể sống 80 năm cuộc đời và có nhiều thời gian rảnh nhưng vẫn không thể hạnh phúc bằng những người chỉ sống có 40 năm và thành công trong việc dành sự chú tâm đúng cách vào những thứ thực sự quan trong với họ.
Mặc dù thời gian quả thực có hạn nhưng với sự chú tâm, bạn có thể thay đổi và kéo dài lượng thời gian mà bản thân mình có được nhiều hơn so với người khác.
Nhưng thật không may mắn, điều này khó khăn hơn chúng ta tưởng.
Thế giới này được tạo nên để chống lại chúng ta
Một trong những vấn đề lớn nhất mà thế hệ chúng ta đang gặp phải đó là khi khả năng tập trung – một điều kiện tiên quyết và quan trọng, thì thế giới xung quanh lại được tạo nên bởi những thứ sẵn sàng lấy đi sự tập trung đó.
Các công ty về Internet và công nghệ được gây dựng nên đều mang trong mình cơ hội dân chủ hóa. Khó có thể khẳng định rằng những ảnh hưởng xã hội tới từ những phát minh này đều không tích cực. Tuy nhiên, mọi thứ đều có giá của nó.
Việc nghiện smartphone là có thật. Và căn bệnh stress do sử dụng quá nhiều sản phẩm công nghệ cũng có thật.
Các công ty lớn như Google hay Facebook không chỉ đơn thuần sáng tạo nên những sản phẩm mới mà họ còn đang xây dựng một hệ sinh thái. Một trong những cách hiệu quả nhất để hệ sinh thái này được hoạt động bắt nguồn từ sự gắn kết. Đó là thiết kế nên những ứng dụng lấy đi sự tập trung của chúng ta vào những việc khác nhiều nhất có thể.
Năm ngoái, Tristan Harris, cựu chuyên viên về Design Ethicist (Đạo đức Học Thiết Kế) của Google, chia sẻ cách các nhà thiết kế sáng tạo nên những tính năng sản phẩm có thể khai thác sự thôi thúc trong tâm trí của chúng ta.
Họ tìm ra những “điểm mù” trong nhận thức của chúng ta và sử dụng chúng để tác động đến các hành vi mà bản thân chúng ta không hề hay biết. Mọi thông báo bạn nhìn thấy, mọi email bạn nhận được, mọi trang web bạn truy cập đều được thiết kế một cách tỉ mỉ để đảm bảo rằng bạn sẽ dành phần lớn thời gian cho những sản phẩm mà công ty họ tạo ra.
Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần mang tâm trí của mình tập trung trở lại. Hiện có ba cách đơn giản để làm được điều đó. Dưới đây là 3 phương pháp vô cùng hữu hiệu sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.
1. Thiền chánh niệm (Mindfulness Meditation)
Trong truyền thống Phật giáo và các phương pháp trị liệu hiện đại, ngồi thiền là cách duy trì khả năng tập trung thông qua sự hiện diện bản thân một cách vô thức.
Đó là ngồi yên tại một vị trí cố định, nhắm mắt, tập trung và lắng nghe những gì đang diễn ra trong cơ thể và tâm trí bạn. Đây là cách giúp khơi gợi cảm giác thư thái, giảm stress và giúp bạn tránh xa sự xao nhãng.
Thật đơn giản! Bạn chỉ cần ngồi im và tập trung vào một thứ duy nhất ở xung quanh bạn. Đối với hầu hết mọi người, đó là hơi thở của chính mình. Họ hít vào, thở ra và dành hết sự chú tâm vào hành động đó.
Một tâm trí chứa đầy những suy nghĩ vẩn vơ là điều rất đỗi tự nhiên. Mục đích của việc ngồi thiền không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn tất cả những suy nghĩ đó, mà quan sát tâm trí của bản thân ở thời điểm hiện tại.
Theo thời gian, việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn, nhưng nếu không hiệu quả, bạn có thể làm theo cách khác, đó là giới hạn sự tập trung vào một thứ nhất định khi tập thể dục hay làm những công việc đơn giản, lặp đi lặp lại.
2. Tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất
Trái với suy nghĩ của nhiều người, đa nhiệm (multi-tasking – làm nhiều việc cùng lúc) hiếm khi là một cách hiệu quả giúp nâng cao năng suất làm việc, đặc biệt là những công việc đòi hỏi sự vận động nhiều về tinh thần.
Không chỉ vậy, đa nhiệm còn gây tổn hại đến não bộ. Mỗi khi chuyển từ việc này sang việc khác lúc đang tập trung cao độ, bạn sẽ phải chịu những áp lực đè nặng lên tâm trí và những cơn stress khó chịu.
Thậm chí, sự thay đổi liên tục giữa các dự án, nhiệm vụ và môi trường làm việc khác nhau trong một thời gian dài cũng để lại thứ mà giáo sư trường kinh doanh Sophie Leroy gọi là “attention residue – thặng dư chú ý”. Điều này làm ảnh hưởng đến sự tập trung của bạn đối với các công việc mới.
Đơn nhiệm với sự tập trung cao độ trong khoảng thời gian dài sẽ giúp loại bỏ những tác dụng phụ. Hơn nữa, đơn nhiệm vừa mang lại hiệu suất cao, vừa giúp tăng cường khả năng tập trung.
Trên thực tế, tác dụng của đơn nhiệm cũng giống như tác dụng của thiền chánh niệm. Bạn càng làm nhiều, bạn càng trở nên thành thạo và khả năng điều khiển sự chú tâm của bản thân vào những điều quan trọng cũng sẽ được nâng cao.
3. Tách khỏi những thói quen xấu
Vô thức kiểm tra thông báo và lướt web có thể được xem như là những hành động vô can, nhưng nó sẽ dần dẫn bạn đến những tác động xấu khó có thể thấy rõ được.
Thỉnh thoảng lấy điện thoại ra đăng nhập tài khoản mạng xã hội, 10 phút nghỉ ngơi lướt web để trở thành những cơn say mê kéo dài hàng tiếng, trí não bạn đang tự dựng nên một cái bẫy thúc đẩy nó phải ủng hộ những hành động đó.
Thông thường, những thiết bị công nghệ điện tử thông minh này là một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại, nhưng để chúng không trở thành những động lực chính trong cuộc sống, bạn cần tự vạch ra những giới hạn cho riêng mình. Tách biệt khỏi những thói quen xấu không chỉ đơn thuần là một lời khuyên, đó là một yêu cầu tối quan trọng.
Cá nhân tôi – tác giả bài viết, thường không kiểm tra thông báo và email ít nhất cho đến 3 giờ chiều mỗi ngày và trong những ngày tôi làm được điều đó, tôi cảm thấy được sự khác biệt rõ ràng trong mức độ kiểm soát một ngày. Ngoài ra, tôi cũng có thể dành 24 giờ đến 48 giờ một ngày mà không hề động đến máy tính hay điện thoại.
Các cách khác nhau sẽ hiệu quả với những người khác nhau, nhưng bạn hoàn toàn không hề nhận ra rằng sự tập trung của mình đã bị lấy đi bao nhiêu cho đến khi bạn đã đi quá xa.
Mối lo ngại chưa bao giờ lớn đến vậy!
Theo nhà tâm lý học huyền thoại Mihaly Csikszentmihalyi từng phát biểu trong cuốn sách đầu tiên “Flow: The Psychology of Optimal Experience” (tạm dịch: “Dòng chảy: Tâm lý hạnh phúc”) rằng:
“Sự kiểm soát ý thức quyết định chất lượng cuộc sống.”
Sự chú tâm giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn bởi nhờ có nó bạn biết trân trọng những điều nhỏ nhặt nhất từng bị bỏ quên trong cuộc sống hàng ngày.
Sự chú tâm giúp bạn vượt qua những giới hạn như nỗi sợ cái chết, bởi nó giúp bạn tận dụng hiệu quả những khoảng thời gian mà bạn đã có.
Sự chú tâm dẫn lối cho bạn đến một cuộc sống viên mãn hơn bằng cách thúc đẩy khả năng tập trung vào những điều thực sự quan trọng đối với bản thân bạn, chứ không phải những thứ sẽ làm bạn đánh mất chính mình.
Niềm hạnh phúc, hiệu quả công việc, sự có mặt và mức độ hoàn thiện đều bắt nguồn từ việc bạn chủ động kiểm soát thứ mà bạn muốn dành hết sức mạnh tinh thần của mình vào nó.
Cho dù cuộc sống quanh ta có đang “vật lộn” để lấy đi sức mạnh tinh thần thì với sự tỉnh táo, tập luyện và những thói quen đúng đắn, chúng ta có thể chống lại và nắm quyển kiểm soát tâm trí của chính bản thân mình.
Nếu biết cách bảo vệ, nuôi dưỡng khả năng chú tâm của bản thân, sẽ chẳng có điều gì cản trở bạn sống cuộc sống hằng mong muốn bởi sự chú tâm chính là khởi nguồn của mọi thứ.
– Sưu tầm –