Đừng chạy theo đồng tiền – Bài học sau 16 năm làm doanh nhân
ClickMeter hiện là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong giải pháp tiếp thị online trên thị trường thế giới với hơn 100.000 khách hàng, bao gồm cả PayPal, USPS, AT&T và Amazon. Bài học sau 16 năm làm doanh nhân của CEO Davide De Guz – Đừng chạy theo đồng tiền.
Giữa lúc doanh nghiệp đang tăng trưởng với tốc độ 250% mỗi năm cũng như thu về lợi nhuận đều đặn ngay từ những ngày đầu thì CEO của nó – Davide De Guz, lại quyết định “rẽ ngang” và thành lập một công ty mới toanh với tên gọi: Rebrandly.
Dưới đây là phút trải lòng của vị CEO này với phóng viên Dmitry Dragilev củaEntrepreneurxung quanh “đứa con mới sinh” Rebrandly.
Đừng chạy theo đồng tiền – Bài học sau 16 năm làm doanh nhân
Anh bắt đầu khởi nghiệp như thế nào?
Khi còn ngồi trên ghế giảng đường vào năm 1999, tôi đã từng thành lập một cộng đồng sinh viên trên mạng internet với tên gọi University.it.
Dự án này khá phát đạt, nhưng tôi đã bán nó với giá 1 triệu USD vì khi ấy vẫn chưa hiểu rõ tiềm năng của kinh doanh trên internet hay chiến lược cần thiết để quản trị một doanh nghiệp startup là như thế nào.
Vậy việc gì đã xảy đến sau khi anh bán dự án khởi nghiệp đầu tiên của mình?
Sau University.it, tôi bắt tay vào thành lập một công ty chuyên về web marketing dựa trên nền tảng và kinh nghiệm đã có từ trước.
Chính từ nơi đây, tôi đã may mắn phát hiện ra điểm mấu chốt mà duy chỉ sản phẩm của mình mới có thể mang lại.
Thế là, một startup mới, dù có hơi chắp vá đôi chút của tôi đã ra đời: ClickMeter.
ClickMeter hỗ trợ doanh nghiệp cùng các cơ sở làm ăn trong vấn đề theo dõi và tối ưu hóa đường link tiếp thị của họ để gia tăng tỷ lệ click chuột cũng như tỷ suất chuyển đổi người truy cập sang khách hàng thường xuyên.
Vậy ClickMeter hiện phát triển ra sao?
Rất tốt. ClickMeter thành công đến nỗi tôi đã đóng cửa hết tất cả các dự án doanh nghiệp khác để tập trung toàn bộ sức lực cho nó.
Với cương vị là người đi đầu trong theo dõi và quản lý đường link tiếp thị trực tuyến, ClickMeter hiện có hơn 100.000 khách hàng từ khắp nơi trên thế giới, bất luận tầm vóc to nhỏ như thế nào.
Bình quân, ClickMeter tăng trưởng ở mức 250% mỗi năm.
Nếu doanh nghiệp đang đạt mức độ tăng trưởng như vậy, tại sao anh lại quyết định chuyển hướng?
Vào năm 2015, công ty đã nhận được hơn 30.000 email phản hồi, điện thoại và tin nhắn.
Khách hàng của chúng tôi là nguồn cung ý tưởng chính và là “bộ óc” đằng sau những quyết định nâng cấp lộ trình sản phẩm doanh nghiệp.
Thông qua những phản hồi thu được, có thể thấy rõ được một vấn đề mới phát sinh trong việc chia sẻ URL của người dùng internet mà doanh nghiệp cần phải đảm đương.
Cho nên, Rebrandly không phải là một giải pháp “chuyển hướng” mà là một bước tiến vượt bậc giải quyết điều đó.
Nó là phương án dễ dàng nhất để tạo ra một đường link ngắn với thương hiệu của bạn trong đó.
ClickMeter, dĩ nhiên, sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ cho trên 100.000 khách hàng nhưng sẽ hướng đến phân khúc người dùng cao cấp hơn.
Anh đang đóng cửa một công ty thành công để bắt đầu một doanh nghiệp hoàn toàn mới, làm cách nào anh chắc chắn được startup của mình sẽ nắm chắc phần thắng đây?
Thú thật, tôi không biết Rebrandly có nắm chắc phần thắng hay không, mà đúng ra tôi cũng chưa bao giờ xác tín 100% về bất cứ startup nào trước đây của mình cả.
Điều tôi biết chỉ có một mà thôi: Các thương hiệu tầm cỡ trên thế giới đang đi tiên phong trong việc rút ngắn tên miền thương hiệu của mình, đơn cử như pep.si, t.co, virg.in…
Đây là một bước chuyển lớn trong cách thức tạo nên mức độ nhận biết cho thương hiệu.
Thế nên, có thể nói, Rebrandly đã nắm bắt chính xác thời điểm.
Tuy nhiên, việc mạo hiểm như thế này không phải là không mang đến những lo ngại hay e dè.
Chúng tôi đã có một doanh nghiệp rất thành công và việc dồn hết tâm sức sang Rebrandly chẳng khác gì một canh bạc lớn cho tôi cùng cả đội.
Cũng nên nhấn mạnh rằng bộ máy của ClickMeter vẫn sẽ được sử dụng để nuôi dưỡng Rebrandly, nên thành thực mà nói thì chúng tôi không phải “giũ bỏ sạch bách” công sức của mình.
Rebrandly đơn giản là đã được chúng tôi thu hẹp quy mô và tập trung vào duy chỉ các tính năng mà khách hàng thực sự thấy có giá trị.
Bài học sâu sắc nhất sau 16 năm cuộc đời doanh nhân của anh là gì?
Đừng bao giờ chạy theo đồng tiền!
Nếu bạn muốn tạo ra một thứ gì đó có ý nghĩa hay ao ước đóng góp cách tân và gặt hái thành công lớn thì KPI (Chỉ số đo lường kết quả hoạt động) không phải tiền mà là sự hài lòng của khách hàng.
Họ thích sản phẩm của bạn đến mức nào?
Dịch vụ của bạn có phải là thứ tốt nhất trên thị trường hay chưa?
Nếu câu trả lời là có thì tiền tự khắc sẽ chạy theo bạn.