Danh lợi như mặt trời, mỹ đức như trân bảo
Con người ta ai cũng có ước muốn riêng của mình, có danh lợi, có quyền lực, có tiền bạc, nhưng thực sự thì đâu mới là điều đáng theo đuổi nhất trên thế gian này?
Khi đề cập về vấn đề này, dường như mỗi người sẽ có một cách nghĩ riêng.
Nói tới lý tưởng sống, những người trẻ tuổi thường cho rằng tiền tài vật chất là rất quan trọng, không có tiền thì không thể hạnh phúc, vì vậy tiền là điều đáng để theo đuổi nhất.
Cũng có người cho rằng danh vọng là quan trọng nhất, bởi khi nổi tiếng thì tiền bạc tất yếu cũng sẽ kéo đến.
Lại có người nói quyền thế càng đáng để theo đuổi hơn, bởi vì đã có quyền lực thì sẽ có cả danh lợi lẫn tiền bạc.
Cũng có người không thực sự dừng lại suy nghĩ điều mình cần là gì, mà hòa theo trào lưu chung, nước chảy bèo trôi, thấy người khác theo đuổi thứ gì, mình cũng đuổi theo cái đó.
Trong dòng chảy miệt mài ấy, con người dường như rất khó để nghĩ đến mục tiêu cao cả hơn, rất ít khi nghe thấy có người xem phẩm chất đạo đức cao thượng hoặc đời sống tinh thần hoàn mỹ là mục tiêu theo đuổi của bản thân mình.
Thật ra, một khi người ta xem tiền tài vật chất là mục tiêu theo đuổi trong đời thì sẽ rất khó để làm những việc đạo đức cao thượng.
Huống hồ phú quý trên thế gian cũng không phải chỉ cố gắng theo đuổi là kiếm được.
Cổ ngữ có câu: “Trong đời chỉ có ba đấu gạo, mà đi khắp thế gian cũng không đầy”.
Có những người cả đời mệt mỏi vì danh lợi, cuối cùng lại chỉ giống như kẻ đuổi theo mặt trời, nhìn thấy mặt trời rực rỡ, nhưng không bao giờ đuổi đến được, cuối cùng thậm chí cố chấp đến mức tổn thân, vong mạng.
Tiền bạc vật chất sinh ra không mang theo đến, chết rồi lại chẳng thể cầm đi, huống hồ tác dụng của chúng trong thế giới này cũng rất có hạn.
Chúng không thể hóa giải được sự thống khổ về tinh thần của con người, cũng không thế khiến ta trường sinh bất lão, càng chẳng thể khiến con người vượt qua được luân hồi sinh tử đi về cảnh giới tinh thần cao thượng tự do tự tại.
Nhà Phật dạy rằng, danh lợi và phú quý được chuyển từ đức mà ra, người không có đức dù cả đời vất vả, tính kế cũng đều vô dụng.
Có người nói phẩm chất đạo đức cao thượng không ăn được, nhưng người có đạo đức thì luôn được yêu quý, kẻ không có đạo đức có khi đi xin ăn cũng chẳng ai cho.
Người trần mắt thịt tuy không thể nhìn thấy được sự tồn tại của đức, nhưng “Đức” lại là nguồn gốc của mọi vinh hoa phú quý.
Bởi vậy người già xưa hay nói “tích đức, tổn đức”, coi đức như trân bảo vậy.
Chuyện xưa ghi lại cũng có nhiều trường hợp như thế.
Vương Trung Thừa là quan tổng chế vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) vào triều nhà Minh.
Một lần khi tiến hành kiểm tra quốc khố, ông phát hiện 34 vạn lạng bạc dư ra so với thống kê thu chi.
Số dư này là do quốc gia đã lâu không có chiến tranh, quân số ít mà lương nhiều, tích luỹ qua ngày tháng, dần dư ra nhiều.
Đáng chú ý là không có ai có thể tra cứu số tiền này, triều đình cũng không biết.
Ông đã lên kế hoạch viết sớ tấu lên triều đình về phát hiện của mình.
Một người bạn của ông khuyên: “Ngài nổi tiếng là quan thanh liêm. Số dư này không phải bòn rút từ triều đình hay người dân. Tại sao ngài không tấu lên 30 vạn lạng và giữ lại bốn vạn lạng cho bốn người con trai? Điều đó đâu có ảnh hưởng đến lòng tận trung báo quốc của ngài.”

Vương Trung Thừa cười và nói: “Điều đó khác gì so với việc một góa phụ thủ tiết được 30 năm, một sớm chỉ vì lợi ích của con cái mà cải tiết. Chẳng phải đáng tiếc sao?”
Ông đã tấu báo chính xác và trả lại hết số tiền dư.
Người dân ca ngợi ông là một bậc quân tử thật sự khó tìm, và ông được bổ nhiệm làm quan thái thú suốt nhiều năm.
Con cháu của ông cũng giữ nhiều chức quan nhờ đỗ đạt cao, và gia đình ông hưng vượng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ngược lại, có một viên quan bố chính ở Thiệu Hưng (thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay), thích vơ vét của cải của dân, tham ô tích cóp được hơn 10 vạn lạng bạc.
Sau khi bị miễn quan về quê, ông ta đổ tiền mua ruộng đất và trở thành người giàu có nhất vùng.
Tuy nhiên, ông liên tục mơ thấy ông nội của mình hiện về mà nói rằng: “Ngươi sắp phải chịu báo ứng!” Vậy mà ông ta không tin.
Con trai duy nhất và cháu trai duy nhất của ông ta đã vung tiền bạc xa hoa lãng phí vào rượu chè, cờ bạc và các phường kỹ nữ.
Cả hai đều chết trẻ. Sau khi con cháu chết, ông ta đã bị trúng gió và bị liệt.
Toàn bộ tài sản dần phải bán hết và cuối cùng thì ông ta đã trắng tay.
Thế sự rối loạn thoáng chốc chẳng còn gì, chỉ có bản thân tích đức hành thiện, ấy mới là việc hữu ích.
Vương Trung Thừa kiên trì giữ danh tiết, không chỉ một đời phú quý khoẻ mạnh, mà còn để lại phúc cho đời sau.
Còn viên quan bố chính không từ thủ đoạn để kiếm tiền, không chỉ bản thân chịu ác báo mà còn di hoạ đến con cháu.
Vì vậy chỉ có phẩm chất đạo đức cao thượng và đời sống tinh thần hoàn mỹ mới là những thứ vô giá thật sự đáng để con người ta theo đuổi.
– Sưu tầm –