Cổ nhân giảng con người sống bởi gian khổ chết bởi an nhàn

Từ xưa đến nay, phàm là bậc hiền nhân hay nông phu muốn làm thành được việc lớn đều phải dụng tâm, kiên nhẫn, không ngại khó, ngại khổ. Còn người chỉ mong hưởng an nhàn thì việc nhỏ cũng khó làm thành, huống chi nói đến việc lớn?

Thậm chí cổ nhân xếp kiểu người này là người vô dụng.

Thời cổ, nam giới được xưng là bậc đại trượng phu phải là người đặt chí hướng ở nơi cao xa. Họ không ngừng bồi dưỡng phẩm chất và học tập kỹ năng cho dù là ở vào lúc chưa có tiếng tăm, chưa được trọng dụng. Ở vào lúc nhàn nhã, họ cũng không ham chơi hưởng lạc mà chuẩn bị đầy đủ mọi mặt cho việc lớn trong tương lai. Người như thế, tuy rằng ở vào lúc thời cơ chưa tới họ cũng không bị nhàn nhã làm nhụt chí lớn mà sa đọa. Những người ấy họ đều là người biết nhìn xa trông rộng, có khả năng thành tựu được nghiệp lớn.

Trong lịch sử có không ít người như vậy, dưới đây xin trích dẫn câu chuyện của một danh thần thời Đông Tấn.

Đào Khản tự là Sĩ Hành, người Giang Tây, là danh thần thời Đông Tấn. Ông từng lập chiến công lớn và được phong làm quan thứ sử địa phận Kinh Châu.

Thời ấy, có người đố kỵ với ông nên đã bày mưu hãm hại khiến ông bị giáng chức và bị điều đến vùng đất Nghiễm Châu xa xôi hẻo lánh.

Lúc Đào Khản ở Nghiễm Châu, không có bất kỳ việc gì cho ông làm hết. Cuộc sống của ông khi ấy, mỗi ngày đều vô cùng nhàn nhã. Nhưng Đào Khản vốn là một người có học vấn uyên thâm và đạo đức cao quý nên ông hiểu rõ sự nguy hại của việc nhàn nhã.

Có nhiều người cho rằng cuộc sống thanh nhàn như vậy thật là điều may mắn, nhưng Đào Khản không cam chịu, càng không phóng túng bản thân, ham muốn hưởng thụ an nhàn. Mỗi ngày, từ sáng sớm ông đều chuyển hàng trăm viên gạch từ trong thư phòng ra bên ngoài, đến buổi tối ông lại chuyển hết số gạch ấy vào trong phòng.

cổ nhân giảng con người sống bởi gian khổ chết bởi an nhàn

Mọi người thấy rất kỳ quái, liền hỏi nguyên nhân vì sao khiến ông lại làm việc ấy.

Đào Khản trả lời: “Ta tận sức thu phục Trung Nguyên. Nếu an nhàn quá sẽ khiến ý chí và tinh thần sa sút, chỉ e tương lai không thể làm thành được việc lớn.”

Sau khi Đào Khản trở lại Kinh Châu, đất Kinh Châu liên hoan ăn mừng chào đón ông. Ở Kinh Châu, mặc dù công việc của ông vô cùng bận rộn nhưng ông vẫn kiên trì di chuyển những viên gạch từ trong ra đến ngoài phòng và từ ngoài vào trong phòng. Ông lấy việc này để tôi luyện ý chí của mình, vì thế mà người đời sau gọi ông là “Vận Bích Ông” (Ông lão chuyển gạch).

Đào Khản thường xuyên khuyên răn người khác rằng: “Đại Vũ là bậc thánh nhân. Ông ấy còn quý trọng mỗi giây phút thời gian. Chúng ta là người thường, càng nên phải quý trong mỗi giây phút thời gian, sao có thể phóng túng bản thân, sa vào chơi bời, sống mơ mơ màng màng được?”

Vì chịu khó chịu khổ, không màng an nhàn, ý chí vững bền nên về sau Đào Khản lại được tăng chức lên làm Chinh tây đại tướng quân, kiêm cả chức quan Thứ sử Kinh Châu, Đô đốc quân sự của tám châu, thanh danh của ông vô cùng hiển hách.

Thời Xuân Thu, danh tướng Quản Trọng của nước Tề từng khuyên can Tề Hoàn Công rằng: “Chơi bời hưởng lạc khác nào uống rượu độc tự sát.”

Cổ nhân coi việc ham muốn hưởng lạc an nhàn còn độc hại hơn cả rượu độc, bởi vì nó từng giờ từng phút gặm nhấm mất ý chí của con người.

Người xưa cũng dạy rằng: “Sống bởi gian khổ, chết bởi an nhàn”, cũng chính là muốn nói đến đạo lý này.

Trong “Hán Thư” cũng viết: “Cổ nhân ví ham hưởng an nhàn như rượu độc, đem việc đánh mất đạo đức để được giàu sang là việc bất hạnh. Nhà Hán hưng khởi đến lúc Hiếu Bình Đế, Chư hầu vương hàng trăm năm, phần lớn đều ngang ngược kiêu ngạo, hoang dâm vô độ, đánh mất đạo đức. Vì sao lại như vậy? Sa đà vào phóng túng, hưởng lạc, địa vị làm cho họ trở thành như vậy.”

Trong lịch sử từ xưa đến nay, ở phạm vi nhỏ bé như một gia đình hay phạm vi lớn như một đất nước, phàm là người đứng đầu mà ham hưởng nhàn nhã, ăn chơi hưởng lạc thì tất yếu sẽ suy bại. Đây đều là những bài học lịch sử chiếu sáng hậu thế.

– Sưu tầm –

Để lại ý kiến của bạn