Cách yêu con của cha và mẹ khác nhau như thế nào?
Dưới đây chúng tôi xin gửi tới bạn bài viết: Cách yêu con của cha và mẹ khác nhau như thế nào. Mời bạn cùng đọc, suy ngẫm và chia sẻ.
Trong cuộc sống có hai thứ mà mỗi người không được quyền chọn lựa đó là: cha mẹ và nơi sinh ra.
Và một điều vô cùng thiêng liêng mà chúng ta không có quyền phân biệt, đó là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái.
Tuy nhiên, trong cuộc sống cách thể hiện yêu thương cũng như giáo dục con cái của cha và mẹ lại không giống nhau. Bạn có tò mò về những điểm khác biệt này hay không?
“MẸ YÊU CON BẰNG NHỮNG CÁI ÔM – CHA YÊU CON BẰNG BỜ VAI VỮNG CHÃI”
Con cái vốn dễ nhận ra ngay sự dịu dàng, âu yếm trong tình thương của mẹ. Vậy nên sự nghiêm khắc, kỷ luật, “kiệm lời yêu thương” của cha đôi khi khiến bạn lầm tưởng “cha không thương mình”.
Không giống như tình cảm ấm áp được thể hiện qua những cái ôm, những lời động viên ngọt ngào của mẹ, tình yêu của cha có thể gai góc, xù xì, có thể đanh thép bằng các hình thức kỷ luật nhưng cha luôn mong những điều tốt đẹp đến với con cái.
Cha mẹ đều yêu thương con cái, nhưng cách biểu hiện khác nhau mà thôi. Có thể bạn đã quen với cách yêu thương và quan tâm của mẹ mà quên mất rằng cha cũng luôn yêu thương, quan tâm và dõi theo từng bước trưởng thành của bạn. Vì vậy đừng quên tình yêu của ai cả.
Cách thể hiện tình yêu của cha mẹ tuy khác nhau nhưng lúc nào cũng đong đầy
SỰ KHÁC NHAU GIỮA CÁCH YÊU CON CỦA CHA VÀ MẸ
1. Một tuổi, con tập đi, mẹ chạy theo đỡ mỗi khi con ngã. Cha ngăn lại bảo rằng hãy để con tự tập đứng lên.
2. Ba tuổi, con nhất định không đến nhà trẻ. Mẹ không nỡ buông tay, đứng trước cổng trường nhìn con mãi. Cha quay đầu bảo mẹ lên xe mau.
3. Sáu tuổi, con vào lớp 1. Mẹ căn dặn cô giáo xem chừng con bị bắt nạt. Thế mà Cha lại bảo cô rằng, con làm gì sai cứ phạt thẳng tay.
4. Chín tuổi, con đánh nhau với thằng bạn học đến trầy cả mặt mày. Mẹ lo lắng muốn rơi nước mắt. Vậy mà Cha lại la con, bắt con đến xin lỗi người bạn đó.
5. Mười lăm tuổi, con xin đi phượt cùng lũ bạn. Mẹ đồng ý nhưng càu nhàu mãi vì lo lắng. Trong khi Cha gật đầu ngay. Suốt chuyến đi, mẹ gọi điện hỏi thăm con đủ thứ nào là vui không, ăn gì chưa, chỗ ngủ thế nào, có gì trở ngại không?
Còn Cha, suốt những ngày đó chỉ điện thoại cho con 1 lần lúc xuống xe. Cha chỉ nói vẻn vẹn ba câu: Tới chưa, khi nào về và chúc con vui vẻ.
6. Mười sáu tuổi con tụ tập hút thuốc. Mẹ nổi giận la con. Trong khi ba cha nhẹ nhàng dắt con ra ban công cho con xem bảng xét nghiệm ung thư phổi của cha.
7. Mười tám tuổi, là lúc cha trở bệnh nặng. Ngày con thi đại học, mẹ chỉ dặn dò qua loa rồi thu xếp vào viện chăm sóc cha. Đến giờ nghỉ trưa con nhận được điện thoại của cha. Ba nói rằng cha rất khỏe. Thi xong con không về nhà ngay mà đi ăn mừng cùng lũ bạn vì làm bài rất tốt. Khi con về nhà thì cha đã đi rồi. Mẹ bảo cha nhất định không cho mẹ gọi điện cho con vì muốn con thi thật tốt.
8. Trong khi, mẹ dặn con rằng nếu làm gì không được, hãy nhờ mọi người thì cha lại dạy con, nếu làm được gì hãy giúp đỡ mọi người.
Giờ đây, nếu có người hỏi con thương ai nhất trên đời, con sẽ không suy nghĩ mà trả lời ngay đó là Mẹ. Và nếu người ta hỏi, ai là người thương con nhất, con cũng sẽ trả lời ngay là Cha.
Cha mẹ sẽ để lại gì cho con cái? Tiền bạc, đất đai hay nhà cửa? Câu trả lời là chỉ có tình yêu cha mẹ dành cho con là mãi mãi, là suốt đời không hề đổi thay.
Dù cách thể hiện tình cảm của Cha, của Mẹ có khác nhau, nhưng hãy biết trân trọng và thấu hiểu nỗi lòng của cả Cha và Mẹ.
Và các bạn hãy nhớ rằng: Trong cuộc sống này ai cũng vậy, dù đi xa đến đâu, cuối cùng nơi bình yên nhất để trở về vẫn là gia đình.
– Sưu tầm –