Đừng tham lợi nhỏ trước mắt mà đi sai đường

Lợi ích trước mắt chính là thứ cám dỗ nguy hiểm, nó có thể khiến con người ta lầm đường lạc lối, thậm chí đánh mất cả tương lai, đặc biệt là trong vấn đề giáo dục con cái.

Người xưa thường nói: “Trong miếng mồi ngon tất có con cá chết”.

Lời nói đó vô cùng đúng, nhất là trong xã hội hiện nay, khi có nhiều bậc cha mẹ luôn không ngừng lấy tiền của ra “chiêu đãi” con cái rồi cho đó mới là thương yêu.

Nhưng mấy ai biết rằng, chính sự thương yêu lầm lạc ấy mang lại tai hại nhiều hơn là lợi ích.

Nếu con cái từ nhỏ đến lớn chỉ biết sống trong nhung lụa, chưa bao giờ phải bươn chải ngoài đời, rồi đến một ngày khi cha mẹ không còn nữa, liệu có ai dám chắc chắn rằng con mình sẽ sống mà không khổ.

Chi bằng hãy học cách dạy con, để chúng tập tành dần với những bài học cuộc đời và rút ra kinh nghiệm cho bản thân, cũng như hình thành đạo đức, nhân cách sống tốt đẹp.

Vậy thế nào mới là nuôi nấng con cái một cách khôn ngoan sáng suốt? Câu chuyện sau đây có thể làm sáng tỏ phần nào:

Thời Xuân Thu Chiến quốc, Tôn Thúc Ngao làm lệnh doãn nước Sở lập nhiều công lao.

Ông từng điều động người dân tháo nước sông Kỳ Tư tưới ấp Vu Lâu, tạo nên Kỳ Tư Bi, công trình thủy lợi dạng kênh ngòi đầu tiên được sử sách ghi nhận.

Tôn Thúc Ngao cũng là người phù tá Sở Trang vương đánh bại quân Tấn ở đất Bật, hoàn thành nghiệp lớn.

Khi làm quan, Tôn Thúc Ngao đã thi hành nhiều chính sách giáo hóa, khiến cho trên dưới hòa hợp, phong tục tốt đẹp, giảm nhẹ hình phạt, quan lại không tham nhũng, giặc cướp không nổi lên, thu đông khuyên dân cày cấy, xuân hạ chài lưới.

Nhờ những chính sách của Tôn Thúc Ngao mà dân chúng sinh hoạt an vui, nước Sở trở nên giàu mạnh.

đừng tham lợi nhỏ trước mắt mà đi sai đường

Lúc Tôn Thúc Ngao sắp qua đời, ông gọi các con lại dặn dò:

“Sở vương đã nhiều lần tỏ ý muốn ban cho cha những chỗ ruộng đất phì nhiêu nhưng cha không nhận. Khi cha chết đi, thế nào Sở Vương cũng ban cho các con, nhất định không được nhận lấy.

Nếu quá ép buộc, các con hãy xin Sở Vương ban cho mảnh đất Tẩm Khâu.

Nơi đó là đất khô cằn hoang sơ, lại nằm giữa biên giới Sở – Việt nên chẳng ai thèm dòm ngó đến.

Người Sở vốn mê tín dị đoan, còn người Việt thì nhút nhát sợ tai hoạ, vì thế đều ghét bỏ đất ấy.

Các con giữ mảnh đất này thì sẽ không còn ai tranh chấp nữa, như thế sẽ giữ được đất phong hoá khô cằn lâu dài hơn là nhận chỗ đất màu mỡ”.

Khi Tôn Thúc Ngao qua đời, quả nhiên Sở Vương đề nghị ban phong cho các con của ông những chỗ đất vô cùng trù phú, màu mỡ.

Các con của Ngôn Thúc Ngao nhớ lời cha dặn, nhất quyết chỉ xin đất Tẩm Khâu, quả nhiên truyền đời được rất lâu, không ai nhìn ngó hoặc tranh giành gì cả.

Tôn Thúc Ngao dạy con biết nhìn xa trông rộng, không nên chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà bỏ qua sự bền bỉ lâu dài.

Hơn nữa, phẩm chất thanh liêm mà ông ngầm hướng dẫn các con cũng là một điều cao quý.

Tôn Thúc Ngao chính là tấm gương về sự tài trí thanh bạch mà các bậc phụ huynh cần học hỏi.

– Sưu tầm –

Để lại ý kiến của bạn